
Tư duy tuần hoàn
March 2, 2022
Hãy để mỗi cá nhân thành một chấm xanh
March 2, 2022“Để đương đầu với vấn đề mang tính toàn cầu, chúng ta cần ý chí của toàn nhân loại”
Tác giả: Minh Ngọc
Minh họa: Tú Lê
Những hồi chuông báo động không ngớt
Chưa bao giờ biến đổi khí hậu được nhắc đến nhiều như lúc này. Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu ở một mức độ khó dự đoán hơn trước. Chúng khiến cho những kiến thức truyền miệng hàng trăm năm của ông cha ta trở nên vô dụng. Chúng kéo theo không chỉ thiệt hại về mặt kinh tế mà còn đe dọa đến vấn đề an ninh lương thực nói riêng và an ninh xã hội nói chung. Chúng là bằng chứng cho thấy không có nơi nào trên trái đất có thể thoát khỏi các tác động của biến đổi khí hậu: từ Đông sang Tây, từ các nước nghèo cho đến các nước có nền kinh tế cực thịnh
Năm trước có thể là những cơn mưa xối xả và ngập lụt khắp nơi, thì năm sau vùng đất đó có thể trở nên hết sức khô cằn vì el nino. Đến miền “sông nước” miền Tây còn phải điêu đứng chắt chiu từng can nước ngọt cho sinh hoạt và tưới tiêu vì xâm nhập mặn. Những quốc gia có nền khí hậu “ôn hòa” trải qua những đợt không khí nóng bất thường và kéo dài cả năm. Mỗi năm, mùa hè lại nóng hơn một chút, mùa đông lại ít tuyết đi một chút. Mưa lớn trái mùa và lũ lụt kinh hoàng tại châu Âu, hay nhiệt độ không khí cao bất thường diễn ra tại các nước Bắc Mỹ gần đây là một ví dụ.
Những hiện tượng này là những hồi chuông thức tỉnh thúc đẩy các quốc gia có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để ứng phó với sự thay đổi này, tạo nên một làn sóng xu hướng mới trong phát triển kinh tế của mọi quốc gia.
Việt Nam và cam kết chính sách
Theo báo cáo năm 2019 của Germanwatch, Việt Nam đứng thứ 6 trong top những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu giai đoạn 1999-20181. Ở vị trí đó, chúng ta không thể không hành động, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu để chuẩn bị cho COP26, Việt Nam đã có cam kết không điều kiện, sử dụng nguồn lực trong nước để giảm 9% khí thải nhà kính vào năm 2030. Việc giảm thiểu này sẽ đạt đến 27% với điều kiện được hỗ trợ song phương và đa phương. Cụ thể, kế hoạch bao gồm việc giảm các nhà máy phát điện chạy bằng than và tăng tỉ lệ điện tái tạo trong tổng sản lượng điện quốc gia tới 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045. Đồng thời với việc cắt giảm các hoạt động phát thải khí nhà kính, Việt Nam cũng cam kết trồng một tỉ cây xanh đến năm 2025, đây là một dự án nhằm hấp thụ 2-3% tổng lượng khí thải của Việt Nam vào năm 2030.
Những cam kết này đã và đang rục rịch chuyển mình. Cụ thể, đã có các động thái rất tích cực của chính phủ về mặt chính sách trong thời gian gần đây bao gồm dự án thí điểm sàn giao dịch tính chỉ carbon theo Nghị định 6 của Chính phủ năm 2022, hay Quyết định 150 của Thủ tướng Chính phủ năm 2022 về chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 hướng đến trở thành một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Dĩ nhiên, câu chuyện không thể và không được dừng lại ở đó. Ta phải theo dõi và cùng góp sức thực hiện nhé!
Xây dựng, giáo dục xã hội và cộng đồng
Không một luật pháp, chính sách nào có thể tự triển khai mà không có cam kết chính trị của toàn xã hội. Chúng chỉ có thể đi vào hoạt động khi một mặt, hệ thống thực thi, chế tài hợp lý được thiết lập bởi chính quyền, mặt khác, xã hội, cộng đồng phải có ý thức tham gia thảo luận xây dựng, tuân thủ, kiểm tra và góp ý điều chỉnh luật và chính sách trong suốt quá trình thực hiện. Trước sự gấp rút của vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu, chúng ta phải thực sự chủ động trong hành động của chính mình. Chính quyền đã bày tỏ mong muốn nội luật hoá các cam kết quốc tế, nhưng quá trình này có thể được thúc đẩy nếu cả cộng đồng, xã hội có ý thức theo dõi, không chỉ các diễn biến môi trường và chính sách ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Từ đó, quá trình tương tác giữa người dân và chính quyền để xây dựng các bộ luật và chính sách, tạo khung pháp lý điều hướng các hoạt động xã hội mới có thể thực tế và hiệu quả.
Quan trọng hơn hết, sự quan tâm đến các vấn đề bền vững và thái độ chủ động trong hành động của mỗi cá nhân và cộng đồng chỉ có thể được xây dựng và nuôi dưỡng trong một môi trường giáo dục có ý thức về tính bền vững của tương lai. Tư duy bền vững phải thực sự là một nền tảng trong cách chúng ta chung sống và tương tác.
Một số gợi ý cho tương lai
Chúng ta cần tạo ra một hệ thống tuần hoàn nơi mà các tập đoàn, công ty, nhà sản xuất có thể hoạt động trong sự kiểm soát dựa trên các nguyên tắc bền vững. Họ cần được khuyến khích tạo nên và theo đuổi các giá trị và trách nhiệm đối với xã hội, thông qua chế tài luật pháp cũng như yêu cầu của người tiêu dùng. Thực tế cho thấy những yêu cầu của chúng ta đã ít nhiều buộc các nhà sản xuất phải chuyển đổi sang những hình thức hoạt động thân thiện với môi trường hơn. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn cần phải tỉnh táo để những sự thay đổi không chỉ ở bề mặt.
Chúng ta cần xây dựng các dự án khoa học, giáo dục cũng như các dự án cộng đồng hướng đến cung cấp và phổ cập các kiến thức về bền vững. Chẳng hạn, khi trở thành kiến thức phổ thông, tư duy tuần hoàn có hy vọng thay đổi cách chúng ta mua sắm, tiêu thụ – một thành tố quan trọng trong việc tái cấu trúc xã hội. Những dự án này cần nhận được sự quan tâm từ chính quyền và xã hội, bởi trên thực tế, sự quan tâm sẽ đi kèm với cam kết kinh tế và hỗ trợ tài chính, việc hiện thực hóa sẽ diễn ra một cách dễ dàng hơn.
Niềm tin là một lựa chọn
Chúng ta có thể có những nỗi sợ hãi hay hoài nghi: vấn đề mà chúng ta đang gặp phải thật vô biên, con người lại ngại thay đổi, tài sức của mỗi cá nhân lại quá nhỏ bé. Nhưng liệu chúng ta có còn lựa chọn nào khác ngoài việc trao gởi niềm tin? Ta cần hiểu rằng, không một tầm nhìn nào có thể trở thành sự thật nếu ta không lựa chọn và hiện thực hoá nó – câu chuyện môi trường cũng vậy. Cứ bước đi, rồi ta sẽ có những sự đồng hành.