
Bền vững không phải “chuyện lớn”
February 20, 2022
Góp gió thành bão
March 2, 2022“Lời mời xem xét một góc độ và quy mô tư duy khác”
Tác giả: Minh Ngọc
Minh hoạ: Hà Thái Chân – Vênh Ink – Hoang Do
Phải ngừng vứt đồ thôi!
Khi chúng ta ngày càng có nhiều sự lựa chọn, ở những mức giá ngày càng rẻ, đi kèm với ngày càng nhiều dịch vụ giao hàng tiện ích, mỗi khi có nhu cầu mới, ta lại mở ví mua sắm thả ga! Tất nhiên đồ mới ai chả thích? Cái cảm giác “đập hộp” thật sung sướng biết bao nhiêu… Nhưng khi việc sở hữu trở nên quá dễ dàng và việc thay thế chỉ cần thông qua một cú click chuột, những thứ đồ mới nhanh chóng bị bỏ xó hay vứt đi bởi ta đã hình thành thói quen luôn mong muốn có được những thứ mới hơn, đẹp hơn, xịn hơn.
Tư duy “khai thác – sử dụng – vứt bỏ (take – make – waste)”, hay trong ngôn ngữ khoa học còn được gọi là kinh-tế-tuyến-tính, không chỉ hiện diện trong cách ứng xử của con người, mà nó còn mô tả những vấn đề thực tiễn ở quy mô lớn hơn. Ví dụ, trong hầu hết các lĩnh vực, chúng ta có xu hướng khai thác “mới” tài nguyên thiên nhiên để làm nguyên liệu đầu vào cho một quy trình sản xuất, và vòng đời của sản phẩm đó sẽ kết thúc khi người tiêu dùng – là chính chúng ta – không sử dụng nữa. Cuộc sống của chúng sớm hay muộn đều kết thúc ở bãi rác. Có lẽ sớm thôi, chúng ta sẽ ngụp lặn trong rác… Hay là nó đã và đang xảy ra rồi nhỉ?
Và, chắc ai cũng biết, tài nguyên là có hạn. Việc khai thác để sản xuất phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của lượng dân số ngày càng tăng khiến nguy cơ cạn kiệt tài nguyên đã và đang trở thành một viễn cảnh không xa trước mắt…
Nhưng tôi ơi, đừng tuyệt vọng! Nhiều cộng đồng trên thế giới đang chung tay để đưa ra các giải pháp hướng đến một lối sống bền vững hơn. Trong số đó là một mô hình tư duy mới, tận dụng hết giá trị của những-thứ-sắp-thành-rác và hạn chế được sự khai thác vô tội vạ những nguồn tài nguyên hữu hạn. Đó chính là tư duy hoàn (circularity) hay mô hình kinh tế tuần hoàn (circular economy).
Chính xác thì tư duy tuần hoàn là gì?
Tư duy tuần hoàn nhấn mạnh vào sự chuyển biến trong góc nhìn: chúng ta có thể kéo dài vòng đời và tận dụng tối đa giá trị của mọi thứ xung quanh nhằm hạn chế tối đa sự bỏ đi (waste) và việc khai thác nguyên liệu mới. Một sản phẩm, thay vì có một đời sống thẳng đuột bắt đầu từ mỏ khai thác hay kho nguyên vật liệu và kết thúc ở bãi rác, sẽ không có một kết thúc. Những thứ vốn dĩ sẽ là rác sẽ được tiếp tục sử dụng hoặc trở thành nguyên liệu để sản xuất một sản phẩm mới
Nếu lấy ví dụ về thời trang, khi đồ lỗi mốt và người ta không còn mặc chúng nữa, dù vẫn còn nằm trong tủ, về mặt lý thuyết, nó đã chết, vòng đời của nó đã kết thúc. Thay vào đó, nếu nó được chia sẻ lại hay bán lại cho những người khác để họ tiếp tục sử dụng, món đồ đó như được tái sinh để sống một cuộc đời mới.
Có thể sẽ có người phản pháo: “Nhưng chỉ khi chúng còn mới và sử dụng tốt thôi, khi bị rách hoặc cũ đi, tụi nó cũng phải vào thùng rác à!” Chưa đâu! Áo rách không còn mặc được nhưng những chỗ vải còn nguyên vẫn rất xinh. Thế
là chúng ta lại hô biến chúng thành cái vỏ gối, cái túi đi chợ, cái thảm, hoặc tệ hơn là một chiếc giẻ lau. Chưa hết nha! Khi tụi nó thật cũ rồi, thật rách rưới rồi, chẳng còn hình hài gì nữa cả, thì thứ còn giá trị là sợi vải bên trong. Chúng được thu lại, cắt vụn, tái chế, và sống lại trong hình hài một tấm vải mới. Tiếp tục những vòng lặp như thế, đó chính là tuần hoàn.
Có lẽ đôi lúc bắt đầu từ những thứ đã cũ sẽ làm con người sáng tạo hơn. Chúng ta của ngày thơ bé có bao giờ nghĩ bã mía ép chất đống lại có ngày sống cuộc đời những cái ống hút? Chúng ta có bao giờ nghĩ mấy trái xoài thối bị bỏ đi có thể trở thành một miếng da sang trọng? Cái khó ló cái khôn, chính sự khủng hoảng về môi trường đã đẩy con người vượt ra khỏi giới hạn sáng tạo của bản thân mình.
Tái chế có phải là kinh tế tuần hoàn?
Tái chế là một phần của tư duy tuần hoàn, và chúng ta hay nói về tái chế như một giải pháp “tối ưu” để bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế thì, chúng ta đang lạm dụng nó, bởi vì tái chế là “hạ sách”, là điều cuối cùng chúng ta nên làm. Tại sao á? Vì trong những câu chuyện đầy sáng tạo và truyền cảm hứng về việc hô biến một cuộc đời mới cho những tấm vải vụn, giẻ lau, đồ bỏ đi, chẳng ai kể cho bạn nghe bao nhiêu nước phải được dùng, hay bao nhiêu loại phụ liệu và hóa chất phải được thêm vào. Hơn thế nữa, tất cả mọi hình thức tái chế đều tiêu tốn các nguồn nguyên nhiên liệu mới, đồng thời, chất lượng cũng sẽ giảm đi ít nhiều so với nguyên liệu ban đầu. Vì vậy hãy nghĩ tới việc giảm thiểu, tái sử dụng, thay đổi mục đích sử dụng của sản phẩm trước khi tái chế nhé!

Hãy cùng nhau suy nghĩ khác!
Sự tuần hoàn có mặt ở khắp mọi nơi, từ những mô hình kinh doanh (quy trình sản xuất) đến một nền kinh tế (mối liên hệ giữa các ngành sản xuất), từ một công trình kiến trúc (tuần hoàn trong năng lượng sử dụng) đến cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân.
Chúng ta có thể bắt đầu từ việc chọn lọc trong mua sắm, để có thể mua những thứ thật sự cần thiết và sử dụng lâu dài. Chúng ta thử mua sắm hoặc trao đổi đồ cũ (second hand products/thrift shopping) với bạn bè, cũ người mới ta mà! Chúng ta thử tái sử dụng những thứ còn tốt cho những mục đích khác (dùng chai lọ cũ để trồng cây, đựng đồ,…). Hay chúng ta chọn và ủng hộ những thương hiệu có những cải tiến trong việc lựa chọn nguyên liệu, chú ý tới nguồn gốc, quy trình sản xuất, và quan tâm đến con người cũng như xã hội, chẳng hạn?
Sẵn đâu có đường đâu, người ta đi mãi thì thành đường thôi mà. Mình cùng nhau chọn con đường hướng đến bền vững nhé!